Dismiss Notice

đăng tin việc làm miễn phí: Group việc làm xem


Đêm Đà Lạt uống sữa đậu nành _ Cheap :)

Thảo luận trong 'ĐỊA ĐIỂM ĂN UỐNG ĐÀ LẠT' bắt đầu bởi Huy.Chuong, 28/8/10.

Chia sẻ trang này

Cho thuê xe tự lái, hợp đồng du lịch, cưới hỏi - 0944 25 0000 xem chi tiết
  1. Huy.Chuong

    Huy.Chuong Thành viên cấp 1

    Tham gia ngày:
    10/10/08
    Bài viết:
    1,211
    Đã được thích:
    1
    “Ghi chép của Trần Tiến Dũng/Người Việt
    [​IMG]
    Tất nhiên theo thời gian, Ðà Lạt bây giờ đã có nhiều thay đổi, chuyện thay đổi để tốt hơn hay xấu hơn còn tùy theo cách nhìn cá nhân. Nhưng có một thứ bình dị của Ðà Lạt đó là món sữa đậu nành, một thức uống bình dị tới mức không cần khen hay chê, không cần phải khoe hay giấu; một thứ tuy không được xếp hạng hay được trưng trên các phương tiện truyền thông nhưng chắc chắn nếu món sữa đậu nành mà vắng bóng hoặc không được ưa chuộng thì Ðà Lạt sẽ không còn là Ðà Lạt!

    Sữa đậu nành Ðà Lạt có gì lạ?

    Không ai cất công đi ngược thời gian để tìm lịch sử một thức uống bình thường như sữa đậu nành. Nhưng khí hậu và cảnh quan Ðà Lạt là cái nôi tạo cho món sữa đậu nành vị trí “xuất thân” khác biệt hẳn với mọi ly sữa đậu nành ở các vùng miền khác. Có người cho rằng sữa đậu nành Ðà Lạt được biết tới nhờ ăn theo “địa vị sang trọng” xứ cao nguyên, nhưng cũng có người cho biết sữa đậu nành là món quà quí, rất riêng mà văn minh của “thành phố Châu Âu nhiệt đới” này đã may mắn tìm thấy.
    [​IMG]

    Mỗi du khách đến Ðà Lạt về đêm không thể không nhớ đến, không thể không rủ nhau đi uống sữa đậu nành. Và từ xưa Ðà Lạt hiểu được nhu cầu này nên những quầy, những quán, những gánh sữa đậu nành bày bán có khi nhiều hơn cả những điểm các mặt hàng khác.

    Một bà có gánh sữa đậu nành nói. “Không chọn nghề này thì thôi chớ khi bán rồi thì dù ế hay đắt hàng cũng cứ chung thủy miết.” Thật khó có thể phân tích tại sao phải “chung thủy miết với sữa đậu nành.”

    Trời lạnh cầm ly sữa nóng trao cho khách có khi cái cảm giác ấm bàn tay cũng khó bỏ, có khi hương sữa đậu nành bay đặc trong khí lạnh cũng là thứ mùi hương ngửi lâu đâm ghiền, có khi thích nhìn khách áp hai bàn tay vào ly để sưởi còn miệng thì hớp từng ngụm nhỏ như một đứa trẻ. Nhiều người cho rằng nhu cầu uống sữa đậu nành của dân Ðà Lạt và của du khách, cùng với cung cách phục vụ ân cần của người bán sữa cũng đủ làm nên một nét văn hóa đặc sắc của Ðà Lạt.


    Một nhà văn mê Ðà Lạt đến mức nếu trong tháng mà không có ít nhất một lần lên thăm là sẽ bị bệnh, ông này hùng hồn nói như bảo vệ tác phẩm trước hội đồng xét chọn, “Tôi không phản đối bắt chước Tàu uống trà, bắt chước Tây tạo phong cách cà phê nhưng cứ kiểu đó thì chúng ta có gì riêng nào, thí dụ chúng ta sẽ bổ sung sáng tạo thêm được gì vào cung cách Trà Ðạo của Nhật nào? Sao chúng ta không cùng nhau làm ra giá trị văn hóa sữa đậu nành. Không đùa đâu. Không chỉ vì sữa đậu nành gắn bó lâu đời với Ðà Lạt, mà xét về góc cạnh dinh dưỡng không thức uống nào có thể mang tính bổ dưỡng - văn minh hợp thời đại bằng sữa đậu nành.”

    Ðêm Ðà Lạt, du khách có thể uống sữa đậu nành mọi lúc mọi nơi. Nếu thích uống sữa đậu nành gánh ở bờ Hồ Xuân Hương thì du khách sẽ được “khuyến mãi” thêm vài mẫu chuyện vui, buồn về đời tha hương cầu thực của dân nhập cư bán sữa đậu nành.

    Ở phố đi bộ thì sữa đậu nành được bày bán trong mấy chiếc xe bán hàng bằng nhôm có treo đèn màu nên bàn ghế sáng choang, sữa đậu nành ở đây có “khuyết điểm” là giống mấy xe bán hủ tíu, bán bánh ướt ở Sài Gòn, để có một chỗ bán sữa đậu nành ở phố này nghe đâu người bán phải mua chỗ gần cả chục triệu đồng. Nhưng đích thị sữa đậu nành Ðà Lạt là ở những tiệm chỉ bán sữa đậu nành, có tiệm chỉ rộng vài mét vuông nhưng cũng đàng hoàng bày bán ở mặt tiền đường lớn hoặc hẻm nhỏ.

    Ở phố Tăng Bạt Hổ có tiệm sữa đậu nành bán rất đắt hàng, vào những ngày cuối tuần du khách ngồi tràn ra chật một đoạn đường để uống sữa. Có du khách thích uống sữa đậu nành pha với sữa bò đặc, sữa đậu phộng, sữa đậu xanh hoặc thích ăn thêm vài cái bánh sừng trâu, bánh hạnh nhân.

    Nhưng đa số khách chỉ thích ngồi trên các ghế nhỏ, tay “ôm” ly sữa đậu nành rồi đưa lên chu miệng hớp từng ngụm sữa nóng. Có người sành sữa đậu nành cho biết là sữa ở tiệm trên phố Tăng Bạt Hổ ngon, rẻ nhưng không phải là ngon nhất Ðà Lạt. Theo họ sữa đậu nành trước đây ở chợ Âm Phủ, ở đầu dốc chợ Hòa Bình hay sữa đậu nành bà Lan mới là sữa ngon nhất...

    Ở phố Phan Ðình Phùng cũng có vài tiệm sữa thuộc loại ngon, nhưng nói chung sữa đậu nành ở Ðà Lạt chỗ nào bán cũng ngon, còn nếu muốn chỉ ra một tiệm một gánh, một xe bán sữa nào đó để gọi là “Ðệ nhất sữa đậu nành” thì có lẽ nên tổ chức bầu chọn, mà tại sao không bầu chọn ra sữa đậu nành Ðà Lạt số 1 giống như cách bầu chọn tổng thống nhỉ!
    [​IMG]
    *Một câu chuyện trong quán sữa đậu nành.

    Hôm chúng tôi đến Ðà Lạt trúng vào lúc có áp thấp nhiệt đới, bình thường mùa Thu Ðà Lạt luôn mưa dầm dề, gặp lúc biển duyên hải miền Trung động mưa lại càng thê thảm hơn. Chúng tôi ngồi co ro trong tiệm sữa đậu nành ở số 98 phố Phan Ðình Phùng, cùng co ro “ôm” ly sữa với chúng tôi có một cặp vợ chồng tuổi trung niên và một ông già còn quắc thước. Sữa nóng, thơm lừng, phố phường vắng ngắt, đó đúng là một cảnh buồn theo đúng phong cách Ðà Lạt.

    Bỗng nhiên phía bàn của cặp vợ chồng tuổi trung niên có tiếng nói, người đàn ông quay sang hỏi chuyện ông già, “Bác chắc là dân ở đây?” Ông già đáp, “Tôi ở đây từ năm sáu mươi, lúc Ðà Lạt vẫn còn thấy cọp về.” Người đàn ông trung niên nói, “cháu trước đây cũng ở Ðà Lạt, năm sáu tám thì dời đi, mấy chục năm nay mới trở lại, nơi này bây giờ khác quá.” Ông già hỏi, “Trước đây anh làm gì, rồi đi đâu?” Người đàn ông nói, “Trước đây cháu là lính Biệt Ðộng Quân, sau năm sáu tám chuyển lên Pleiku, sau đó đi “học tập cải tạo”, khi về bận đi làm ăn, nay mới có dịp đi với bà xã thăm lại Ðà Lạt.”

    Ông già hỏi, “Anh đi học tập bao lâu, trước đây cấp bậc gì?” Người đàn ông dè dặt nói, “Dạ chín năm, mà thôi đừng nói chuyện đó, nói làm gì hả bác.” Ông già vẫn cứ thản nhiên “Anh ngại không nói cấp bậc thì thôi, chớ tôi xưa cũng dạy ở trường sĩ quan Ðà Lạt.” Người đàn ông dè dặt hỏi, “Thế bác dạy gì?” Ông già nói “Dạy võ. Anh có quen ai từng học ở trường sĩ quan Ðà Lạt cứ hỏi Phạm Xuân Việt chắc có người còn nhớ.”

    Người đàn ông không hỏi gì thêm. Ðược một lúc, người đàn ông lên tiếng gọi thêm sữa đậu nành, đây là ly sữa thứ ba của ông. Bà chủ quán đi vào hỏi ông già rằng ông có ăn bánh ngọt như mọi ngày không, rồi bất chợt bà quay sang nói với người đàn ông, “Nếu tôi không nhầm thì anh là Việt kiều, mấy ông mấy bà Việt kiều mỗi khi vào chỗ em là uống mỗi người hai ba ly sữa, có dùng gì thêm thì giúp cho quán em.”

    Sữa đậu nành Ðà Lạt vẫn nóng thơm, như để an ủi người đàn ông trung niên, người không dám thừa nhận đầy đủ lịch sử bản thân và sưởi ấm thêm cho tính minh bạch của một ông già Ðà Lạt cố cựu.

    Ðêm Ðà Lạt mù mưa, ai chui vào tiệm sữa đậu nành cũng thấy sướng. Và chúng tôi kể lại câu chuyện tình cờ được nghe ở trên cũng là cách chúng tôi muốn bày tỏ rằng, có khi vào một ngày nào đó, Ðà Lạt thiếu vắng ly sữa và những tiệm sữa đậu nành thì ngày đó sẽ không có sự kết nối lành lặn giữa một Ðà Lạt tuyệt đẹp trong ký ức và một Ðà Lạt có nhiều cái mới nhưng chưa có hồn.”

    Nguồn: Nguoi-viet (chudu24h.com)
     


Chia sẻ trang này