quang cao chua co khach dat

Lâm Đồng Rượu cần nghiêng ngả đêm rừng

Thảo luận trong 'ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH ĐÀ LẠT' bắt đầu bởi Hoang.Nam, 18/1/11.

Tags: Add Tags

Chia sẻ trang này

Cho thuê xe tự lái, hợp đồng du lịch, cưới hỏi - 0944 25 0000 xem chi tiết
  1. Hoang.Nam

    Hoang.Nam Thành viên

    Tham gia ngày:
    7/1/11
    Bài viết:
    149
    Đã được thích:
    0
    (LĐ) - Già làng Krajăn Plin dưới chân núi Langbian (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đọc lời cầu khấn: “Bo krong... Chau go! Cau lec mur... lec mac... hat mong, dhau yo, chau joh...!” – “Hỡi thần linh! Đến uống đi! Đến uống nào...”.

    Dứt lời khấn của già làng, tiếng chiêng nổi lên. Nào là tiếng chiêng mừng khách quý, tiếng chiêng proh gọi bầy...; nào là tiếng chiêng mừng ngày hội mùa, tiếng chiêng drênh gọi mưa... Đêm càng vào sâu, tiếng chiêng dưới chân núi Langbian càng thổn thức, ngân rung...

    Hôm rồi, nghe tin chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi là bà con dân tộc thiểu số dưới chân núi Langbian sẽ đón nhận bằng công nhận “Nhãn hiệu tập thể cồng chiêng Langbian” do Cục Sở hữu trí tuệ cấp, tôi vác xe máy chạy một mạch xuống nhà Krajăn Plin – già làng trẻ nhất trong những già làng Tây Nguyên. Biết rằng mới đây, Krajăn Plin và gia đình đã đi nơi khác để lập nghiệp, nhưng tôi vẫn đến đó – ngôi nhà cũ của già làng Krajăn Plin ở ngay trung tâm thị trấn Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) - đó là một trong những nơi tôi muốn “tìm về” với cồng chiêng dưới chân núi Langbian hùng vĩ.

    “Những người bạn Langbian”

    Cũng đã gần hai mươi năm rồi, ngày ấy, tôi gặp Krajăn Plin rất tình cờ, bởi anh là con rể của một già làng mà tôi quen. Thế rồi, chúng tôi kết thân, thế rồi sau đó trở thành đồng nghiệp của nhau trong một hội văn nghệ. Dạo ấy, Krajăn Plin bảo: “Mình muốn giữ cho buôn làng mình tiếng chiêng của ông bà để lại bằng cách lập một đội chiêng để “chơi” với nhau. Nhiều tháng rồi tụi mình đi biểu diễn ở buôn trên làng dưới, bà con thích lắm, nhưng cho tới tận giờ, mình không biết “đặt tên” cho cái kiểu hoạt động này là gì hết!”. Trong chếnh choáng men rừng, tôi “phán” luôn: “Nhóm của ta có tên là “Những người bạn Langbian”! Bài báo sắp đến của tôi cũng có cái tít này (và đúng là như vậy)!”. Krajăn Plin vít cần rượu sang tôi để tỏ lòng “biết ơn”.

    [​IMG]
    Các giá trị văn hoá truyền thống của các tộc người thiểu số Tây Nguyên cần được gìn giữ.

    Và thế là từ đó, tôi gắn kết với “Những người bạn Langbian”, gắn kết với Krajăn Plin – người đến giờ đã trở thành già làng. Và cũng kể từ dạo ấy, tiếng chiêng của “Những người bạn Langbian” ngân rung không chỉ trong phạm vi buôn làng của người Chil, người Lạch, người Cơho... dưới chân núi Langbian, mà còn “âm âm” đến tận Hà Nội, Sài Gòn... và ra cả quốc tế.

    Langbian là ngọn núi có độ cao trên hai nghìn mét so với mặt biển, cách Đà Lạt chừng hơn mười lăm cây số, là biểu tượng từ ngàn đời nay của các bộ tộc thiểu số Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng. Langbian còn có tên khác là “núi Mẹ”. Chẳng hiểu sao, những đứa con trai, con gái của núi Mẹ ở xã Lát (nay là thị trấn) ấy là những Cill Sra, Dagout Gli, Cill Dalin, Krajăn Pheny, Krajăn Sick, Păngting Pling, Krajăn Doal... hễ cứ sinh ra là đã yêu thích hát ca, yêu thích tiếng chiêng, tiếng cồng. “Thủ lĩnh” Krajăn Plin bảo rằng: “Tiếng cồng, tiếng chiêng ấy là của ông bà, bố mẹ mình truyền lại, là di sản không thể để nó bị mai một. Và vì vậy, mình tập hợp mấy chục nam nữ thanh niên lại để họ “làm văn nghệ”. Họ là những bà con thân thuộc của mình”.

    Điều đáng nói nữa là ngay từ khi khởi phát, nhóm nhạc “nhà vườn” này đã ý thức được vấn đề văn hóa dân tộc, nhất là âm nhạc dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đặc biệt là dân tộc Lạch – chủ nhân của biểu tượng Langbian từ ngàn đời nay trên cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt).

    Không biết cái tên sở hữu “Nhãn hiệu tập thể cồng chiêng Langbian” có liên quan nhiều đến “Những người bạn Langbian” hay không, nhưng tôi nghĩ họ - những người bạn Langbian ấy – rất xứng đáng: Sau nhóm “Những người bạn Langbian” chiêng cồng, chỉ ở xã Lát của huyện Lạc Dương thôi mà có đến hơn chục nhóm cồng chiêng khác ra đời với mục đích trước tiên là gìn giữ tiếng chiêng cồng của “ông bà mình để lại”; hơn thế, không ít “giọng ca núi rừng” cũng đã cất cánh bay xa như Cill Trinh, Krajan Út...

    [​IMG]
    Rượu và lửa.

    “Giữ ấm bếp hồng!”


    Tôi không nhớ là mình đã bao nhiêu lần đến với “Những người bạn Langbian” ở dưới chân núi Langbian. Chỉ biết là rất nhiều. Nhưng lần nào cũng thế, cách “phát lệnh” để bắt đầu một đêm sinh hoạt cồng chiêng của già làng Krajăn Plin thật ấn tượng: “Hãy nổi lửa lên!”. Lúc già làng Krajăn Plin phát lệnh cũng là lúc đêm vừa buông xuống, và đỉnh núi Langbian chìm trong sương, núi rừng tĩnh phắc... Thế là lửa rực hồng. Thế là rượu cần tuôn chảy. Rồi nữa, mùi thịt nướng ngậy chân răng. Và dĩ nhiên là phải có cả cồng chiêng. Tiếng cồng trầm ngân rung dội vào đá núi. Tiếng chiêng vút cao bay lên tận đỉnh Langbian. Rượu cần nghiêng ngả đêm rừng. Rồi, Krajăn Plin cất lên tiếng hát: “Dẫu có bão dông thác lũ thét gào/Ta hãy cùng nhau giữ ấm bếp hồng/Dẫu nắng chói chang đốt cháy đôi vai trần/Ta hãy cùng nhau giữ ấm bếp hồng...”.

    Đó là lời của ca khúc “Ban tam cah is” (Giữ ấm bếp hồng) do chính Krajăn Plin sáng tác. Đến giờ, “Ban tam cah is” được viết đã những gần chục năm. Krajăn Plin “khoe”: “Giữ ấm bếp hồng” như là một lời hứa, một lời hứa tự tâm can!”.

    Trong ánh sáng bập bùng của ngọn lửa ngay giữa sân nhà già làng Krajăn Plin, lời bài hát “Ta hãy cùng nhau giữ ấm bếp hồng” trong ca khúc “Ban tam cah is” như tiếng vọng cội nguồn dội lên từ lòng núi mẹ Langbian ngàn đời nay bằng tiếng ching me, ching rđơm, ching dờn, ching thoòng, ching thơ, ching thi... vậy! Cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số khác thuộc nhóm ngữ hệ Môn Khmer (như Mạ, Chil, Cơ Ho...), bộ chiêng của người Lạch ở xã Lát (Lạc Dương) cũng bao gồm 6 chiếc, gọi chung là ching droòng.

    Bộ ching droòng “biên chế” như một gia đình mẫu hệ: Trước tiên, chiêng lớn nhất là ching me (còn gọi là “vàng”), có nghĩa là chiêng mẹ; tiếp đến là chiêng bố rđơm; rồi thứ tự tiếp theo là các con từ lớn đến nhỏ: Dờn, thoòng, thơ... và cuối cùng là em út “thi”. Già làng Krajăn Plin bảo với tôi rằng: “Cái lý của bộ ching droòng chính là ở cái “gia đình” ấy đấy! Người dân tộc thiểu số mình khi nâng cái chiêng lên thì là người trong một nhà. Người trong một nhà ấy có một bếp lửa. Và vì vậy mà phải giữ ấm cái bếp hồng ấy! Cái ý tưởng của “Ban tam cah is” cũng chính từ đây mà ra!”.

    [​IMG]
    Tiếng chiêng mở đầu ngày hội.

    Bây giờ, khi nói đến cồng chiêng Tây Nguyên, ai ai cũng đều quý trọng. Nhưng cách nay chừng hai chục năm, khi tôi viết báo ca ngợi những ching droòng, sgơr (trống), kambuốt (khèn bầu)..., đã có người đọc xong bĩu môi: “Ôi dào, lo chuyện cơm áo trước chứ hơi đâu mà nghĩ đến ba cái “xèng xèng, bèng bèng” ấy!”. Ừ, thế mới biết: Dạo ấy, chuyện áo cơm còn nặng lắm, nhưng có người của buôn làng trọng việc “giữ ấp bếp hồng” như những Krajăn Plin, Krajăn Dick... thì mới là đáng quý chứ! Cũng xin được nói thêm một chút: Nhạc sĩ Krajăn Dick hiện là Phó đoàn Ca múa nhạc tỉnh Lâm Đồng, là người sở hữu một giọng ca trời phú, là người nặng lòng với vốn văn hóa xưa do ông bà để lại. Lại là người thân tộc với Krajăn Plin nên khi Plin lập nhóm “Những người bạn Langbian”, nhạc sĩ Krajăn Dick đóng vai trò là một cố vấn chuyên môn.

    Có lần, Dick tâm tư với tôi về nhóm của Plin: “Lập ra thì dễ, chuyện chuyên môn cũng không phải là quá khó, nhưng làm sao để nó “sống” một cách thực sự bằng chính cái “lửa” của bà con mới là vấn đề!”. Tôi quay sang Krajăn Plin, và cũng là nói với Krajăn Dick: “Trước mắt, mình cứ tập luyện và biểu diễn trong phạm vi buôn làng của mình cái đã. Sau đó... tính tiếp. Quan trọng là phải giữ cái hồn của dân tộc mình trong tiếng chiêng!”. Plin không gật, cũng chẳng lắc, mà chỉ im lặng cầm cần rượu tu một hơi dài như muốn uống vào trong một con suối ngọn nguồn để ghi tạc vào tim một lời hứa. Và Krajăn Plin đã thực hiện đúng lời hứa ấy!

    Bây giờ thì nhóm nhạc “Những người bạn Langbian” nổi tiếng lắm rồi. Luồng gió du lịch đã thổi vào đó một sinh khí mới, khiến cho du khách khi đến với Đà Lạt là tìm đến Langbian để nghe cồng chiêng của nhóm “Những người bạn Langbian”, của các nhóm Păngting Muôk, Cill Jack... Không chỉ nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa ông bà xưa ngay trong dòng chảy thời cuộc này, mà những nhóm nhạc cồng chiêng dưới chân núi Langbian ấy còn là nơi tạo nguồn ban đầu cho không ít giọng ca nổi tiếng của quốc gia; trong đó, Cill Trinh (một ca sĩ khá nổi tiếng hiện nay) là một ví dụ.

    Cill Trinh (còn gọi là Bonneur Trinh) - cô ca sĩ người Lạch ấy - đã lớn lên từ “bếp lửa hồng” của “Những người bạn Langbian” qua những sáng tác của Krajăn Plin, Krajăn Dick như “Nhịp sống cao nguyên”, “Kuê rơi” (Gọi bạn), “Drôh pnu” (Những chàng trai, cô gái)...

    Khắc Dũng
     


  2. caphevangdl

    caphevangdl Guest

    Tham gia ngày:
    26/12/10
    Bài viết:
    3,412
    Đã được thích:
    0
    mới tham gia chương trình lễ hội cồng chiêng tối hôm qua trên xã Lát , chân núi Langbiang , vui ơi là vui , và ý nghĩa nữa , cảm ơn anh ngoanhtuan
     

Chia sẻ trang này